TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Hội nghị giám sát “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam và Liên Bang Nga giai đoạn 2001-2018”

Sáng 22/8, PGS. TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Nhà trường đã tham dự Hội nghị giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2001-2018” được tổ chức tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân một số tỉnh thành phố, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học – Công nghệ,…

Tại hội nghị các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình ký kết và thực hiện các Điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam - Liên bang Nga; tình hình ký kết, triển khai các Biên bản cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và tình hình triển khai từng dự án đầu tư ưu tiên Việt Nam - Liên bang Nga thời gian qua.

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012 đến nay, quan hệ hợp tác Việt - Nga ngày càng phát triển tốt đẹp cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, điện hạt nhân đến an ninh, quốc phòng, giáo dục - đào tạo,... Trong giai đoạn 2001-2018, tổng số Điều ước quốc tế đã được ký kết và đang có hiệu lực giữa Việt Nam và Liên bang Nga là 52 điều ước. Nhìn chung, các điều ước quốc tế này đã và đang được triển khai thực hiện tương đối hiệu quả, đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác thời gian qua vẫn còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ truyền thống lâu đời, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị, PGS. TS. Phạm Xuân Dương đã đề xuất cho phép Nhà trường được tiếp nhận một số lượng nhất định các học bổng hàng năm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà phía Nga có nhiều thế mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Công nghệ đóng tàu chuyên dụng và tàu có tính năng cao, Tự động điều khiển, Dẫn đường hàng hải, Công trình ngoài khơi, Thiết bị năng lượng, Hệ thống động lực tàu biển,...) phù hợp với việc xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường đại học trọng điểm quốc gia, đáp ứng yêu cầu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng ủng hộ về mặt chủ trương cho phép Nhà trường hợp tác với các đối tác Liên bang Nga thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học để tăng cường chuyển giao công nghệ sâu giữa các nhà khoa học của hai quốc gia.

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết Ủy ban sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội nghị, để hoàn thiện báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới, và sẽ chuyển các kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để xử lý những vấn đề còn tồn tại./.