Hội nghị Khoa học Cơ học Thủy khí toàn quốc lần thứ 22 (VCFM22)
Hội nghị Khoa học Cơ học Thủy khí toàn quốc lần thứ 22 (VCFM22) được tổ chức tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, thành phố Hải Phòng trong thời gian từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 7 năm 2019 đã thành công tốt đẹp. Đồng Chủ tịch Hội nghị là PGS.TS. Hoàng Văn Huân, Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí và PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Hội nghị Khoa học Cơ học Thủy khí toàn quốc là một hoạt động thường xuyên của Hội Cơ học Thủy khí được tổ chức mỗi năm một lần (từ năm 1998) vào tuần cuối cùng của tháng 7 hàng năm, với mục đích trình bày, thảo luận và trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Cơ học thủy khí và các lĩnh vực liên quan của các Hội viên Hội Cơ học Thủy khí và các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các báo cáo khoa học trình bày trên Hội nghị được tuyển chọn thông qua các ý kiến phản biện của các chuyên gia chuyên ngành hẹp để được in trong “Tuyển tập Công trình Hội nghị Khoa học Cơ học Thủy khí toàn quốc” hàng năm.
Hội nghị đã quy tụ được hơn 100 đại biểu là những nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và một số nghiên cứu sinh, học viên cao học đến từ mọi miền của tổ quốc. Hội nghị là diễn đàn thường niên của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực liên quan đến Cơ học Thủy khí trong toàn quốc.
- Phiên khai mạc vào nửa đầu buổi sáng ngày 25/7 tại Phòng HTQT số 3, Trường ĐHHHVN. Hội nghị vinh dự được GS.TSKH. Bùi Văn Ga- nguyên Thứ trưởng Bộ GDDT, GS.TSKH Nguyễn An Niên- nguyên Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, GS.TS Trần Văn Nam- nguyên GĐ ĐH Đà Nẵng, GS Jae-Hung HAN (Viện KAIST- Hàn Quốc). PGS.TS Hoàng Văn Huân, Chủ tịch Hội đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
- Phiên báo cáo toàn thể do Ban Tổ chức đã trao 02 giải thưởng Khoa học Cơ học Thủy khí Vũ Tất Uyên cho 02 báo cáo xuất sắc của VCFM21 và khen thưởng 03 báo cáo có chất lượng cao thuộc các chuyên ngành khác nhau của VCFM21.
Trong Phiên toàn thể do GS.TSKH Bùi Văn Ga là Chủ tịch đã có 03 báo cáo mời được trình bày:
1. Prof. Jae-Hung HAN, Korea Advanced Institute of Science and Technology (KAIST): HỆ THỐNG GIỮ CỐ ĐỊNH THIẾT BỊ BAY TRONG ỐNG THỔI KHÍ ĐỘNG BẰNG TỪ TRƯỜNG (MAGNETIC SUSPENSION AND BALANCE SYSTEM) VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP THÍ NGHIỆM ỐNG THỔI KHÍ ĐỘNG MỚI.
2. GS.TS. Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: GIẢI PHÁP TỔNG THỂ CÔNG TRÌNH ỨNG PHÓ TÌNH TRẠNG HẠ THẤP MỰC NƯỚC, ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC CHO HẠ DU SÔNG HỒNG.
3. GS.TSKH. Vũ Duy Quang, đại diện nhóm nghiên cứu (Phạm Gia Điềm, Ngô Văn Hiền, Ngô Văn Hệ, Lê Kiều Hiệp, Vũ Duy Quang) Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG HỆ THỐNG GIẢI NHIỆT BẰNG NĂNG LƯỢNG ĐỊA NHIỆT.
Tại 06 phòng họp của các tiểu ban (Các vấn đề cơ bản của Cơ học Thủy khí; Cơ học Thủy khí Môi trường; Cơ học Thủy khí với BĐKH và Năng lượng mới; Động lực học sông-biển, công trình; Thủy khí động lực học tính toán) và đã có 93/95 báo cáo được trình bày tại 18 phiên họp ở các tiểu ban.
Các đại biểu đã được thăm quan cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp của Ban Giám hiệu Nhà trường và các thầy cô trong trường dành cho các đại biểu.
Sau Hội nghị các đại biểu đã đi thăm quan đảo Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng) và có chuyến thăm quan vịnh Hạ Long vui vẻ, an toàn.