Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Sáng ngày 25/6, tại Trung tâm hội nghị TP. Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trung tâm Hội nghị Tỉnh Hưng Yên
Cùng chủ trì hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Đỗ Tiến Sĩ. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐ Bắc Bộ), các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội, lãnh đạo các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các Nhà khoa học và đông đảo cơ quan truyền thông. Về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ GTVT. Về phía Thành phố Hải Phòng có Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Văn Thành, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo các Sở, Ngành liên quan.
Chủ toạ Hội nghị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, PTT TT Trương Hoà Bình, PTT Vương Đình Huệ, PTT Vũ Đức Đam, Bí thư TU Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hà nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trường KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Hưng Yên Đỗ Tiến Sĩ.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh...cùng các thành viên Chính phủ dự Hội nghị
Hiệu trưởng Trường ĐHHH VN được mời tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc) là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Diện tích tự nhiên khoảng 15.591km2 (chiếm 4,7% cả nước); quy mô dân số 16,14 triệu người (chiếm 17% cả nước). Quy mô kinh tế của Vùng đứng thứ 2 cả nước chiếm gần 32%GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm hơn 31%, xuất khẩu hằng năm chiếm hơn 30%.
Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả đạt được trong phát triển kinh tế của Vùng, đồng thời cũng chỉ ra các vấn đề còn tồn tại. Lãnh đạo các địa phương đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế địa phương trong thời gian vừa qua. Sau phần báo cáo, Thủ tướng cũng đề xuất các Bộ, Ban, Ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp phát biểu tham luận đóng góp ý kiến, chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng cũng như đưa ra các đề xuất cần thiết cho sự phát triển của vùng.
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã vinh dự được Ban Tổ chức lựa chọn để tham luận về “Vai trò của dịch vụ logistics cảng biển trong liên kết chuỗi dịch vụ logistics tại vùng KTTĐ Bắc Bộ để trở thành cửa ngõ logistics hiện đại của khu vực kinh tế phía Bắc”. PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày tham luận tại Hội nghị. Tham luận đã tóm lược về vai trò cũng như định hướng phát triển của vùng KTTĐ Bắc Bộ; tổng quan về mạng lưới giao thông vận tải nói chung và logistics, cảng biển nói riêng của vùng. Tham luận đưa ra những con số thống kê, so sánh để làm rõ những điểm mạnh yếu trong vấn đề phát triển logistics, cảng biển của vùng; đi sâu phân tích vai trò của dịch vụ logistics cảng biển Hải Phòng đối với mạng lưới giao thông và dịch vụ logistics của vùng nói riêng và cả nước nói chung; nhấn mạnh sự phát triển của hệ thống dịch vụ có tầm chiến lược này chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của vùng vì mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi, được đầu tư hiện đại nhưng logistics cảng biển Hải Phòng nói riêng và của vùng KTTĐ Bắc Bộ nói chung vẫn thiếu sự đồng bộ, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải… và cũng gặp phải khó khăn chung của ngành dịch vụ logistics là thiếu nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo một cách bài bản.
PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ĐHHH VN trình bày tham luận tại Hội nghị
Trong tham luận, PGS. TS. Phạm Xuân Dương cũng nêu bật khả năng cung ứng nguồn nhân lực trực tiếp cho lĩnh vực dịch vụ logisistics cảng biển của vùng, trong đó đưa ra số liệu đào tạo của 8 trường Đại học Khu vực phía Bắc có các ngành và chuyên ngành đào tạo liên quan; đồng thời khẳng định mong muốn của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong việc sẵn sàng phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các Bộ, Ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề có tính chiến lược nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đưa ra các giải pháp hữu ích để phát triển lĩnh vực này một cách bền vững.
Từ những phân tích và đánh giá trên đây, trong bản tham luận của mình, PGS. TS. Phạm Xuân Dương đã đưa ra 8 đề xuất và kiến nghị cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ logistics cảng biển của vùng KTTĐ Bắc Bộ trong thời gian tới./.