TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tới cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Hàng hải

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranhvì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ của Nhà trường về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển ở mỗi nước. Ngày 21/5/2012, tại Phòng Hội thảo Quốc tế số 02, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức phát động “Cuộc thi tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” tới đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường. Đoàn Thanh niên Trường xin trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc của thầy TS. Phạm Xuân Dương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường tại Lễ phát động.
 
Trước hết, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng gần 1.000 cán bộ, giảng viên và trên 25.000 sinh viên, học viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, tôi xin trân trọng cám ơn Thường trực Thành ủy Thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã ưu ái lựa chọn Nhà trường là một trong các đơn vị trong thành phố được vinh dự tổ chức Lễ phát động Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam".
 
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, là một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc anh em luôn bên nhau trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Quan hệ đặc biệt này được phát triển từ mối quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đối với nhân dân hai nước, trong đó có các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, quan hệ đặc biệt này được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian khổ, khó khăn đến đâu cũng không thể tách rời.
Ngay trong lời chào mừng Đoàn đại biểu cao cấp Vương quốc Lào do Vua Xrivang Vathana và Thủ tướng Xuvana Phuma lần đầu tiên đến thăm chính thức nước ta ngày 10/3/1963, đúng nửa năm sau ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điểm lại lịch sử: “Hai dân tộc Việt - Lào từ lâu đời đã có những quan hệ anh em khăng khít với nhau. Nhưng gần một thế kỷ qua, bọn đế quốc đã cướp nước chúng ta, chia rẽ nhân dân 2 nước. Chúng ngăn cản, không để nhân dân Việt - Lào gần gũi giúp đỡ nhau. Chúng làm cho nhân dân hai nước chúng ta: “Bức tường nô lệ chắn ngang/ Tuy trong gang tấc, gấp ngàn quan sơn”. Ngày nay hai nước chúng ta đã độc lập... dễ dàng đi lại thăm viếng nhau “Bấy lâu cách trở quan hà/ Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau”.

Cũng trong chuyến thăm này, ngày 13/3/1963, trong lời tiễn Đoàn đại biểu cao cấp Vương quốc Lào do Vua Xrivang Vathana và Thủ tướng Xuvana Phuma dẫn đầu kết thúc chuyến thăm Việt Nam về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc 4 câu thơ:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Thấm nhuần những tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, trong nhiều năm qua, thầy và trò Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng đã có nhiều hành động thiết thực trong việc gìn giữ và phát huy những tình cảm sâu đậm về mối quan hệ đặc biệt này. Rất nhiều sinh viên của Lào đã được học tập, rèn luyện tại trường trong tình yêu thương đùm bọc của các thế hệ thầy và trò Nhà trường. Đến nay, hầu hết các anh chị đó đều đã thành đạt, trở thành các cán bộ chủ chốt trong ngành giao thông vận tải của Lào. Nhà trường cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Bộ Giao thông Công chính Lào, Cục Đường thủy Lào trong các vấn đề về xây dựng hệ thống chính sách, xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy, hệ thống vận tải đa phương thức, logistics. Rất nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo của các đơn vị trên của Lào đã đến thăm và học tập kinh nghiệm tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án Xây dựng Trung tâm Huấn luyện Logistics cho Tiểu vùng Mê Kông tại Việt Nam, có tổng trị giá 2,5 triệu đô la Mỹ (tương đương 51 tỷ đồng VN) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, được xây dựng tại khuôn viên của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, bắt đầu từ cuối năm nay, hàng năm sẽ có từ 5 đến 10 cán bộ, chuyên gia của Lào sang học tập tại trường. Đồng thời, Nhà trường cũng đang tích cực đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải cho phép Nhà trường tiếp nhận các sinh viên đại học và học viên cao học của Lào đến học tập tại trường trong các năm học tới.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực sự trân trọng và nhiệt liệt hưởng ứng  Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giao Thành ủy Hải Phòng tổ chức.
Tôi kêu gọi các đồng chí cán bộ, giảng viên, các em sinh viên trong toàn trường hãy tích cực, nhiệt tình tham gia Cuộc thi có ý nghĩa vô cùng sâu sắc này. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy Thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giao Thành ủy Hải Phòng, Cuộc thi sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị anh em giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
 
Nguồn: Đoàn Thanh niên